“Dưới tán hoa siren” của nhà văn Nguyễn Đình Lâm trong mắt bạn nghề

0
13

Đời sống của người Việt xa xứ được miêu tả chân thực và dung dị

Đến với văn chương từ những năm 80-90 của thế kỷ trước, đã từng xuất bản không ít sách và cả tiểu thuyết nhưng đây là lần đầu tiên nhà văn Nguyễn Đình Lâm tổ chức một buổi ra mắt sách. Thế nên không chỉ riêng anh mà người thân, bạn văn, bạn học, bạn nghề ai nấy đều háo hức chờ đợi. Lần đầu tiên nhưng cũng là cuối cùng, bởi sau “Dưới tán hoa siren”, tác giả đã định sẵn tâm thế dừng lại mối duyên định mệnh với văn chương để đi đó đây, chơi golf với những người bạn tâm giao.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã chia sẻ rằng, ông thích văn của Nguyễn Đình Lâm chính bởi sự chân thực và sinh động. Còn về bút pháp thì không có gì đặc biệt. Nhưng dù là thi pháp hay bút pháp gì thì điều sau cùng mà nhà văn hướng đến vẫn là phản ánh đời sống, chạm vào cảm xúc làm người đọc thấy rung động: “Đến với văn chương của Nguyễn Đình Lâm chính là để được chứng kiến đời sống của người Việt xa xứ. Trong văn của anh, tôi thấy bóng sáng của người Việt, của người Nghệ Tĩnh, dù làm việc gì cũng phải cố gắng nhiều hơn người khác”.

"Dưới tán hoa siren" của nhà văn Nguyễn Đình Lâm trong mắt bạn nghề- Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói rằng, dưới ngòi bút hiện thực sinh động của nhà văn, dường như ai cũng đều có thể trở thành nhân vật. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Nhà văn Nguyễn Đình Lâm kể, khi còn ở nước Nga, dù là nghiên cứu sinh nhưng để có tiền gửi về cho vợ con, anh phải làm đủ thứ nghề. Từ làm thêm, phụ hồ cho đến đi buôn… Có những hôm đi làm mệt quá, anh nằm ngủ trên bãi phân bò mà không hề hay biết. Trái ngược với hiện thực là một giấc mơ rất đẹp: “Tôi mơ đến món trứng rán mà anh Lê Xuân Sơn – nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong thường rán cho tôi ăn. Một chi tiết đối lập nhưng nó rất thú vị và khiến tôi ấn tượng đến tận bây giờ”.

Một người bạn thân, nhà báo Lê Xuân Sơn nói anh là người lạc quan, hóm hỉnh cũng phải. “Trong tập truyện này, anh Lâm sử dụng giấc mơ rất nhiều. Có giấc mơ ám ảnh kinh hoàng nhưng cũng có giấc mơ là tương lai tươi sáng. Chắc chắn rằng giấc mơ kinh hoàng đã là quá khứ, còn sự tươi sáng đã thành sự thật”, nhà báo Lê Xuân Sơn cảm nhận sau khi đọc một lèo hết 16 truyện ngắn dày 246 trang của “Dưới tán hoa siren”.

"Dưới tán hoa siren" của nhà văn Nguyễn Đình Lâm trong mắt bạn nghề- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tại lễ ra mắt sách “Dưới tán hoa siren”. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

"Dưới tán hoa siren" của nhà văn Nguyễn Đình Lâm trong mắt bạn nghề- Ảnh 3.

Nhà văn Nguyễn Đình Lâm được yêu mến chính bởi cách viết chân thực và sinh động. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Là một nhân vật được nhà văn Nguyễn Đình Lâm “gọi tên” trong truyện ngắn mở đầu “Dưới tán hoa siren” (cũng đồng thời được tác giả lựa chọn làm tiêu đề tập truyện ngắn), nhà báo Lê Xuân Sơn bày tỏ: “Trong truyện “Dưới tán hoa siren”, anh Lâm có nhắc đến chi tiết nhân vật Lê Xuân San làm món trứng rán khiến anh ám ảnh. Ngày đó, ở nước mình làm gì có trứng với thịt mà rán. Anh Lâm thích ăn món trứng thịt rán lắm nên khi sang Nga có nhiều thịt thì chúng tôi cũng có cơ hội để… hoang hơn. 5 quả trứng mà tôi trộn với 3 lạng thịt xay. Làm nhiều quen tay, tôi còn lật trứng bằng cách hất lên cao như làm xiếc. Vì thế, cứ khi nào tôi rán trứng là chị em ở gần đó lại chạy đến xem…”.

Ngoài nhà báo Lê Xuân Sơn, trong tập truyện ngắn còn có nhiều nhân vật là “những người sống quanh tôi” được “bê” vào thành nhân vật văn chương. Trong “Chuyến buôn cuối cùng”, nhân vật Lê Khắc Hưng – người thích nghe nhạc cổ điển là anh Lê Khắc Hùng học cùng tác giả; nhân vật Sang – sinh viên trường Đại học giao thông đường sắt Mátxcơva là Hồ Ánh Sáng, em cùng quê; Nhân vật Hoàn trưởng phòng trong truyện “Chiếc xe đạp cũ” là anh Trần Viết Hoàn cùng cơ quan. Trong “Chuyến bay nhớ đời”, nhân vật Huy học giỏi chính là luật sư Trần Hữu Huỳnh bạn học, người viết lời tựa cho cuốn sách này. Rồi nhân vật Tổng thư ký Trần Tuấn Vinh trong “Mẹ ơi con xin lỗi” chính là nhà báo Trần Tuấn Linh hiện là Tổng Biên tập báo “Sức khỏe và Đời sống”.

"Dưới tán hoa siren" của nhà văn Nguyễn Đình Lâm trong mắt bạn nghề- Ảnh 4.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Là cuốn sách cuối cùng nên hẳn nhiên, những người thân của anh đều có đặc quyền xuất hiện. “Trong truyện ngắn “Cò đất đời đầu” có nhân vật Khôi nhanh nhẹn, tháo vát, chính là Nguyễn Xuân Hồi em trai tôi. Còn nhân vật Quyên chủ hàng xinh đẹp, giỏi giang trong “Kẻ phản bội” là Nguyễn Bích Liên em họ tôi. Và nhân vật Chi Mai trong truyện “Ký ức tuổi thơ” chính là Mai Chi – con gái tôi.

Vì thế, cuốn sách này có ý nghĩa rất lớn với nhà văn Nguyễn Đình Lâm, là cuốn anh yêu thích nhất trong những tác phẩm đã viết vì nó gom góp những kỷ niệm, những ân tình của cả một đời người nhiều lăn lộn bể dâu.

“Nhân vật trong truyện Nguyễn Đình Lâm là bản thu gọn số phận mỗi kiếp người”

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói rằng, dưới ngòi bút hiện thực sinh động của nhà văn, dường như ai cũng đều có thể trở thành nhân vật. Họ quen đấy nhưng cũng lạ lắm, khi được khoác lên mình chiếc áo văn chương.

“Trong lời tâm sự của anh Lâm đã kể ra những nhân vật ở đời thật. Tôi biết nhà báo Lê Xuân Sơn từ lâu nhưng không nghĩ rằng có một Lê Xuân Sơn bước đi trong thế giới chữ nghĩa ấy, và anh hiện ra trong một tinh thần khác, với phiền muộn, khổ đau và ánh sáng khác. Còn nhiều những gương mặt nữa trong tác phẩm này. Một câu hỏi đặt ra, Nguyễn Đình Lâm ở đâu? Anh là tất cả những nhân vật đó và bên ngoài những nhân vật đó. Bởi vì anh đi qua thế giới con người, hiểu họ, ngắm nhìn, yêu thương, suy ngẫm về họ và dựng nên họ trong thế giới ngôn từ của mình. Anh được ẩn giấu nhưng lại hiện ra rõ nhất.

"Dưới tán hoa siren" của nhà văn Nguyễn Đình Lâm trong mắt bạn nghề- Ảnh 5.

Tác giả – Nhà văn Nguyễn Đình Lâm (ngoài cùng, bên phải) chụp cùng PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ và những người bạn. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Tôi có những người thân từng sống, làm việc và lao động ở nước Nga nên khi đọc “Dưới tán hoa siren”, tôi như nhìn thấy họ trong sự bất trắc, trong nỗi tuyệt vọng, trong giá lạnh tuyết trắng và nỗi buồn dằng dặc xa cố hương mà trước đó mình không hề biết. Anh viết bằng lối viết rất giản dị, xúc tích, đi thẳng vào vấn đề và nếu không có nhà văn bước đến thì những số phận ấy sẽ trôi đi, thậm chí bị lãng quên. Dù những người thân của tôi không có tên trong cuốn sách nhưng tôi thấy tất cả họ ở đó, bởi vì nhân vật trong truyện của Nguyễn Đình Lâm là bản thu gọn số phận mỗi kiếp người”, nhà văn Nguyễn Quang Thiếu nói.

Nhà văn Bùi Việt Thắng ví von cách viết của Nguyễn Đình Lâm bằng hình tượng “rót biển vào chai”. Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã mượn hình ảnh để chia sẻ rằng, “truyện ngắn của Nguyễn Đình Lâm đã mang cả không gian rộng lớn của nước Nga, cộng đồng người Việt xa xứ, mang biết bao số phận để đặt vào câu chuyện ngắn ngủi của mình, rồi từ câu chuyện ngắn ngủi ấy lại bao phủ đời sống này, để chúng ta nhìn thấy nhân loại này, cuộc sống này và nhìn thấy chính chúng ta ở trong đó”.

"Dưới tán hoa siren" của nhà văn Nguyễn Đình Lâm trong mắt bạn nghề- Ảnh 6.

Nhà báo Lê Xuân Sơn tham dự và chia sẻ cảm xúc về tác phẩm trong buổi ra mắt (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Với 20 năm sống, học tập và sinh kế trên đất Nga, đã từng lên bổng xuống trầm, từng làm đủ thứ nghề để tồn tại cho đến khi đứng ở vị trí nhiều người mơ ước: Tổng giám đốc một trung tâm thương mại quản lý hơn 2 nghìn nhân sự; thì 16 truyện ngắn trong “Dưới tán hoa siren” hay những tác phẩm trước đó của nhà văn Nguyễn Đình Lâm sẽ khó nói hết những trải nghiệm của rộng dài năm tháng mà anh đã trải qua. Anh cũng không có mong cầu viết để trở thành nhà văn mà “nhà văn” đã chọn anh, đến với anh như một mối duyên lành rồi dang tay đón lấy, nâng niu và đầy trân trọng. 

Anh bảo, suốt những năm tháng ở Nga, người ta chỉ biết tôi là Tổng giám đốc, là chủ tịch Hội võ thuật chứ không ai biết tôi còn là người viết văn. Với văn chương, tôi thích được âm thầm như thế và hạnh phúc vì nhờ có nó mà tôi được sống nhiều đời sống khác. Có gian khó, cay đắng, muộn phiền nhưng đầy dư vị lãng mạn, đẹp đẽ và tinh khiết như khi ngồi dưới tán hoa siren rực rỡ sắc màu tím ngắt.

TS. Nhà văn Nguyễn Đình Lâm quê Nam Đàn, Nghệ An. Ông đã có 20 năm sống, học tập và làm việc trên đất Nga. Ngoài vai trò là doanh nhân, nhà văn, ông còn là Tiến sĩ Sử học từ khi còn ở xứ sở Bạch Dương. Hiện tại, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga.

Các tác phẩm từng xuất bản: Con kiến tật nguyền (tập truyện ngắn đầu tay, 2004); Tình yêu hàng chợ (tập truyện ngắn, 2005); Mong manh xứ bạch dương (tiểu thuyết, 2009), đến Truyện ngắn chọn lọc (2011), mới nhất Dưới tán hoa siren.

Hủy

Nhập bình luận của bạn
Nhập tên của bạn