Bất đắc dĩ trở thành máy ‘ATM’, nàng dâu ‘hãi hùng’ mỗi lần nghe điện thoại mẹ chồng

0
67
Tôi (xin phép được giấu tên) hiện đang là nhân viên của một công ty lớn. Đọc được chia sẻ “Mẹ chồng coi nàng dâu như máy ATM?” tôi như uất nghẹn.

Tôi lấy chồng được 4 năm và cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời tôi. Tôi ở chung với gia đình chồng gồm ba mẹ chồng, vợ chồng chị tư (chồng tôi thứ năm) cùng hai người con trai, vợ chồng cậu em út (em trai chồng tôi) cùng hai con một trai, một gái, và vợ chồng tôi cùng đứa con gái được 3 tuổi.

Lúc vừa lo xong lễ cưới, chưa kịp thay áo cưới ra thì chồng tôi bảo mấy chiếc nhẫn vàng các bác sui cho nên gửi lại cho mẹ chồng vì đó là tục lệ của gia đình, em dâu đám cưới trước tôi mấy năm cũng phải gửi lại số vàng đó cho mẹ chồng tôi, tôi cũng tuân theo mà không hỏi nguyên nhân gì và cũng chẳng bận tâm vì tính tôi không quan tâm những thứ vật chất đó nên chồng muốn sao thì tùy cho vui lòng mọi người. Tôi lột hết đưa cho mẹ chồng, cứ tưởng như vậy sẽ êm xuôi. Dần về sau tôi mới hiểu mọi việc.

Bat dac di tro thanh may 'ATM', nang dau 'hai hung' moi lan nghe dien thoai me chong

Ảnh minh họa.

Thời gian sau cưới, tôi chưa đi làm vì vừa ra trường tôi đang tìm việc làm, vợ chồng tôi ở nhà chồng và do đó tôi làm hết tất cả công việc nhà chồng vì nghĩ rằng giỏi sẽ được mẹ chồng thương. Em dâu thì đi làm nên quần áo cả nhà tôi bỏ vào máy giặt rồi đem phơi, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con của chị chồng và em dâu, quần quật cũng hết một ngày, thời gian đó nhìn mình cứ như osin nhà người ta vậy, em dâu thì quần áo tươm tất lịch sự còn mình thì đầu tóc rối, quần áo xộc xệch lấm tấm mồ hôi. Nhiều lần khóc nấc với chồng thì anh bảo nào đi làm thì đẹp lên chứ có gì đâu. Tôi cũng bị trầm cảm từ đó.

Sau đó không tìm được việc làm nên tôi cố gắng ôn tập và đậu cao học ở trường danh tiếng. Lương chồng tôi cũng chỉ đủ chi tiêu cho anh ấy, mọi chi phí sinh hoạt và học phí đi học của tôi đều do ba mẹ ruột của tôi lo. Thời còn sinh viên cũng vậy tất cả ba mẹ ruột tôi đi làm thuê ở xa, mỗi tháng đều chuyển tiền về cho tôi 3 triệu đồng/tháng. Học cao học nên ba mẹ tôi cũng gửi về nhiều hơn 4-5 triệu/tháng.

Và sau đó tôi có em bé cũng như vậy mọi chi tiêu của tôi và con đều do ba mẹ tôi lo, mỗi tháng tôi còn phải trích ra 1-2 triệu đồng gửi cho mẹ chồng phí sinh hoạt của chồng và tôi, tôi cố gắng chắt góp tiết kiệm hết cỡ để đủ tiền gửi cho mẹ chồng, dư bao nhiêu thì tôi cũng tự động gửi hết cho mẹ chồng bấy nhiêu. Đến lúc tôi sinh em bé thì gửi mẹ chồng tôi giữ giúp vì tôi đi làm và mẹ tôi cũng phải đi làm kiếm tiền.

Tôi đi làm cứ nghĩ sẽ dư giả hơn để trả nợ ngân hàng, do ba mẹ tôi bán nhà ở quê tích góp lên thành phố mua cái nền và xây nhà để vợ chồng tôi đi làm có chỗ ở và khi nào ba mẹ nghỉ hưu cũng có chốn về, và tất cả số tiền bán nhà ở quê cũng chỉ đủ trả công thợ xây nhà, còn toàn bộ là vốn vay ngân hàng. Nên mỗi tháng tiền gốc và lãi cũng hơn 8 triệu đồng, đều do ba mẹ gửi về cùng lương hàng tháng của tôi chi trả.

Bat dac di tro thanh may 'ATM', nang dau 'hai hung' moi lan nghe dien thoai me chong

Ảnh minh họa.

Còn khoản vay đó cũng có phần góp vào vay chung của ba mẹ chồng do lãi suất thấp theo gợi ý của chồng, nên hàng tháng nếu mẹ chồng không đưa kịp lãi và gốc của bà thì tôi cũng đứng ra trả thế tháng đó, đợi khi nào bà có thì gửi lại sau, nhưng có lúc chồng và tôi cũng phải chạy đôn chạy đáo đi vay mượn để trả khoảng lãi 3 triệu đó. Mọi chuyện tôi đều nghĩ chắc không có gì, nhưng càng ngày tôi càng áp lực, tiền lãi hàng tháng, tiền sữa và thuốc men cho con, tiền phí sinh hoạt hàng tháng, có lúc con bệnh mà tôi không đủ tiền mua thuốc cho con.

Đồng thời, may mắn lắm tôi còn phải lại bác sĩ mua thuốc cho 4 con của chị chồng và em út khi mẹ chồng gọi “Chiều về con ghé qua bác sĩ Tường lấy thuốc cho Bằng (con chị chồng) 4 ngày và Quốc (con em chồng) 2 ngày và lấy thuốc cho Khánh 3 ngày (con tôi)”. Tôi vét hết tiền trong túi còn vừa đủ tiền để mua bao nhiêu ngày thuốc đó, nhưng rồi còn hơn mười mấy ngày nữa mới đến cuối tháng thì tôi cũng không biết tiền đâu để chi tiêu ăn uống nữa.

Mẹ chồng tôi rất ít khi gọi cho tôi, khi nào bà gọi là tôi biết bà đang cần nhờ tôi mua hộ cái gì đó, nếu không thì bà nói nhà hết cái này, thiếu cái kia, nên mỗi lần thấy mẹ chồng gọi thì lại lo lắng không biết đủ tiền mua cho bà không. Chồng tôi nói thì cứ mua đi, trong thẻ ngân hàng anh còn vài triệu thiếu thì rút, nhưng đó cũng là tiền ba mẹ tôi gửi về tích góp để trả lãi tháng sau nếu rút hết thì còn đâu mà trả nữa.

Bat dac di tro thanh may 'ATM', nang dau 'hai hung' moi lan nghe dien thoai me chong

Ảnh minh họa.

Tối nào nếu rãnh tôi liền gọi cho mẹ tôi hỏi bà có dư không nếu có tôi sẽ xin bà một ít, nhưng khi nghe bà còn làm việc thì tôi cũng chẳng thể mở lời, lúc gọi điện cũng hơn 20h đêm, thì bà bảo còn đang làm việc tăng ca, khi nào rãnh bà sẽ gọi lại, tôi hỏi bà ăn cơm chưa thì bà nói chưa ăn nào xong việc thì ăn sau. Nghe đến đó mà tôi uất nghẹn, mỗi ngày bà làm được 120 ngàn, nếu tăng ca thì được nhiều hơn chút, ba tôi thì lương cũng vậy, sức khỏe bà rất yếu, mắc nhiều bệnh, nhưng vẫn cố gắng đi làm trả nợ và lo cho con cháu, hàng tháng đi bệnh viện lấy thuốc bảo hiểm cho đỡ tốn tiền.

Nghĩ đến ba mẹ tôi thì nước mắt tôi lại chực trào ra, bà luôn khuyên tôi kính trên nhường dưới cho vui lòng gia đình chồng, tiền có thể kiếm được nhưng tình nghĩa thì rất khó giữ. Nghĩ đến sức khỏe của ba mẹ tôi, nên tôi có buồn phiền gì cũng chẳng dám tâm sự với ba mẹ vì sợ ba mẹ buồn. Tôi xét nghĩ mình cũng không phải người hẹp hòi, tính toán ích kỹ, nhưng mọi sự tiết kiệm của tôi dành nuôi con khôn lớn thì đã không còn hi vọng vì còn tiền đâu mà lo cho con.

Tôi thấy mình bất lực quá.

Hủy

Nhập bình luận của bạn
Nhập tên của bạn